Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc Tết TP.Hồ Chí Minh

0 nhận xét

Chiều 29.1, tức ngày 26 tháng Chạp năm Canh Dần, trong không khí cả nước phấn khởi chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chào mừng kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Mão, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và các trí thức, nhân sỹ… Ảnh: Trí Dũng

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH của TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết: 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội X của Đảng, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Vượt qua những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP đạt trên 11%/ năm, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 12% và cao hơn so với bối cảnh chung của cả nước – tăng gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân của cả nước; đưa quy mô của kinh tế TP đến năm 2010 bằng 1,7 lần năm 2005. Đáng chú ý, kinh tế TP đang phục hồi nhanh so với mức tăng trưởng chung cả nước; riêng năm 2010, kinh tế TP tăng 11,8%, bằng 1,7 lần so với cả nước. Thu ngân sách hàng năm đều vượt chỉ tiêu nộp ngân sách do Trung ương giao, đóng góp trên 30% ngân sách quốc gia.

Thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và MTTQ Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua – địa bàn chiến lược quan trọng, TP nhiều lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng và đang có khí thế đi lên. Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Sài Gòn – Gia Định, Sài Gòn – Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử đất nước như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới và luôn gợi lên niềm thương yêu, tin tưởng của đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài; được bạn bè quốc tế nể trọng. Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; có những đóng góp hết sức to lớn về công sức, trí tuệ, mồ hôi, xương máu vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và ngày nay đang cùng với cả nước từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật để quá độ lên chủ nghĩa xã hội.  Vị trí chiến lược quan trọng của TP Hồ Chí Minh không chỉ ở chỗ địa phương có diện tích rộng, dân cư đông mà còn ở chiều sâu hơn nữa, từ trong lòng dân, ý chí tinh thần cách mạng. TP Hồ Chí Minh không chỉ hoàn thành nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại mà còn đóng góp nhiều kinh nghiệm, trí tuệ cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, vạch ra hướng đi lên mạch lạc, rõ ràng; không đi đường mòn, không bằng lòng với những kết quả đã đạt được; luôn kịp thời đổi mới nếu tình hình thực tiễn thay đổi.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc Tết tại TP Hồ Chí Minh

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh công tác chăm lo Tết cho nhân dân của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các gia đình nghèo, gia đình chính sách, khó khăn trên địa bàn; chủ động trong công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chúc mừng thành công của Đại hội IX của Đảng bộ TP; chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà TP Hồ Chí Minh đang gặp phải như: ngập nước, kẹt xe, đất chật, người đông… Đây là những khó khăn trên con đường phát triển đi lên. Với truyền thống cách mạng, bề dày kinh nghiệm và nhân dân kiên cường, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển đi lên, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp thiết thực hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng vui mừng thông báo với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh về thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng với dấu ấn đậm nét về một Đại hội dân chủ hơn, thẳng thắn hơn, nói rõ ưu điểm, khuyết điểm. Quá trình chuẩn bị Văn kiện trình Đại hội đã không khí dân chủ; các ý kiến đóng góp cho Văn kiện của các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức… được tổng hợp, tiếp thu đầy đủ và thảo luận thẳng thắn tại Đại hội. Các Văn kiện, Nghị quyết thông qua tại Đại hội XI đã đề ra định hướng phát triển không chỉ cho 5 năm, 10 năm sắp tới cũng như tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI. Quan trọng hơn cả, từ Đại hội XI đã lan tỏa một luồng sinh khí mới, toát lên không khí dân chủ trong toàn xã hội. Thành công của Đại hội có sự đóng góp của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh; có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ của các đại biểu tham dự Đại hội XI. Đại hội XI đã tạo ra sự thống nhất ý chí, tư tưởng trên những vấn đề hết sức cơ bản của cách mạng nước ta; cho lâu dài cũng như trước mắt.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: vấn đề đặt ra là ngay sau Đại hội XI cần sớm đưa được tư tưởng, quan điểm, các chủ trương, giải pháp lớn của Đại hội XI vào thực tiễn cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động. Trước mắt là Tết này, các Đảng bộ trên cả nước, trong đó có Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cần quan tâm chăm lo để nhân dân, nhất là đồng bào nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, gia đình chính sách… có điều kiện vui Xuân đón Tết đầm ấm, tiết kiệm và an toàn. Về lâu dài, cần quan tâm, xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch, quy chế làm việc cụ thể; chăm lo kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy; kết hợp các mối quan hệ để bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện những chủ trương, đường lối, giải pháp lớn đã đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải. Ảnh: TH

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản thì cũng đặt ra nhiều khó khăn, phức tạp, thách thức, đòi hỏi sự theo dõi thường xuyên, làm tốt hơn công tác dự báo. Đặc biệt, phải quan tâm tới nhân tố quyết định là công tác xây dựng Đảng. Trong xây dựng Đảng bao gồm xây dựng về đường lối, tổ chức, con người và xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt, thiết tha giữa Đảng với nhân dân; củng cố nâng cao hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Cùng với đường lối, Cương lĩnh là ngôi sao dẫn đường thì niềm tin cũng là ngôi sao dẫn đường. Muốn tạo được niềm tin thì trước hết, Đảng phải làm cho dân tin; khắc phục cho được những hiện tượng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hư hỏng… Như lời Bác Hồ đã dạy, từ Trung ương đến địa phương phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Phải đoàn kết trên cơ sở nguyên tắc, Cương lĩnh, đường lối, điều lệ đồng thời phải bằng tình thương yêu đồng chí lẫn nhau. Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng mong muốn và tin tưởng, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh – một Đảng bộ lớn, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, luôn sáng tạo đi đầu – cần vận dụng, thực hiện thật tốt những chủ trương, Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đảng bộ TP Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện để Ban Chấp hành Trung ương Khóa mới, Bộ Chính trị, Ban bí thư cũng như toàn Đảng phải thực hiện tốt mục tiêu cơ bản mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, đó là: độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Dứt khoát phải đi lên chủ nghĩa xã hội, còn phương pháp, cách thức và từng bước đi phải luôn vận dụng sáng tạo; Việt Nam làm bạn với bạn bè quốc tế nhưng trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, vì lợi ích của nhân dân. Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh sang năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công. TP Hồ Chí Minh mãi mãi là TP anh hùng, TP duy nhất trên cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn là một trong những hạt nhân quan trọng, cùng với cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

+ Nhân dịp này, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và chúc Tết nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Chí Công; thăm gia đình, thắp hương tưởng niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nguyên Quyền Chủ tịch Nước, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Hữu Thọ.

Thanh Tâm

(Theo www.nguyenphutrong.com)
Xem thêm →

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là CTHĐ Bầu cử Quốc hội khóa XIII

0 nhận xét

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 21- 1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và thành lập Hội đồng bầu cử Trung ương.

Theo đó, ngày chủ nhật, 22- 5- 2011 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Hội đồng Bầu cử gồm 21 người. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử. Bốn Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử là: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Hội đồng bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về bầu cử và hết nhiệm vụ sau khi bàn giao hồ sơ cuộc bầu cử cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Hà Nhân


(Theo www.nguyenphutrong.com)
Xem thêm →

Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng khối đại đoàn kết

0 nhận xét

Ngày 19-1, sau lễ bế mạc Đại hội XI, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp báo về kết quả của đại hội. Ông nói: “Cho đến hôm nay có thể nói đại hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình theo đúng tiến độ và quy chế, đạt được kết quả tốt đẹp”.

Ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư khóa X, chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng vừa được bầu làm Tổng bí thư khóa XI – Ảnh: Việt Dũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết những vấn đề phải sửa trong các văn kiện lớn như cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), báo cáo chính trị, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020, điều lệ Đảng… đều không đơn giản, khi đưa ra đại hội đến phút cuối còn có tranh luận, nhưng cuối cùng 100% đại biểu đã tán thành thông qua nghị quyết của đại hội.

Lý giải việc đa số những người trúng cử Ban Chấp hành trung ương khóa XI đều nằm trong phương án nhân sự do Trung ương khóa X đề cử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng vì Trung ương chuẩn bị cả quá trình rất công phu từ dưới lên. “Phải nói rằng có dân chủ, khách quan, Đảng vẫn khuyến khích tự ứng cử, khuyến khích đề cử thêm” – ông Nguyễn Phú Trọng nói.

Trả lời câu hỏi về “dấu ấn lãnh đạo” trong nhiệm kỳ của ông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi xin tâm sự thật là tôi không nghĩ mình làm với mục đích để tạo dấu ấn hay để đánh bóng mình. Trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ là phải thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng”.

Trả lời câu hỏi về chất vấn trong Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Hoạt động chất vấn là hình thức để bảo đảm dân chủ, nhưng vừa rồi chất vấn trong Đảng còn hơi ít. Sắp tới theo sự phát triển chung thì cần phải có hình thức chất vấn ở trong Đảng. Vấn đề là phải xây dựng quy chế để tạo điều kiện cho mọi người cùng sinh hoạt một cách dân chủ, có trao đi đổi lại. Như tôi đã nói nhiều lần ở Quốc hội là chất vấn có tác dụng rất tốt, chí ít để đôi bên hiểu nhau, cùng thấy trách nhiệm và cùng tìm ra giải pháp”.

Về đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa (nội dung trong cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại hội biểu quyết như thế nào thì phải chấp hành, vì đó là ý chí của toàn Đảng. Dù thế nào chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến chính sách nhất quán của VN là phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, từng bước đi lên, trước mắt là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ thời gian tới sẽ tập trung công tác xây dựng Đảng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Vấn đề xây dựng Đảng bây giờ đang được nhân dân quan tâm. Sắp tới phải chăm lo xây dựng Đảng, rồi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những bài học rút ra từ ngày có Đảng Cộng sản VN đến bây giờ là xây dựng khối đại đoàn kết. Bác Hồ từng nói “hòn đá to hòn đá nặng, một người nhấc nhấc không đặng”, người Việt ta cũng có câu ca dao “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Do vậy, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết chính là vấn đề chiến lược”.

Bầu Bộ Chính trị với số dư 70%

Đề cập công tác nhân sự, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Hiếm có đại hội nào bầu Ban Chấp hành trung ương có số dư nhiều như lần này. Bầu Bộ Chính trị cũng có số dư, yêu cầu số dư chỉ

15-20% nhưng trên thực tế là 70%, bầu Ban Bí thư thì số dư còn nhiều hơn nữa. Bầu Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đưa ra danh sách giới thiệu 26 người, bầu một lần là xong và có nhiều người quá bán (được trên 50% số phiếu) nhưng cũng chỉ lấy 21 người”.

Về việc bầu Tổng bí thư, tuy đại hội không bầu trực tiếp nhưng có lấy phiếu giới thiệu Tổng bí thư tại đại hội, việc giới thiệu này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và “giới thiệu tập trung cho nên Trung ương bầu cũng rất tập trung”.

VÕ VĂN THÀNH


(Theo www.nguyenphutrong.com)
Xem thêm →

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một con người bình dị

0 nhận xét

Khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu Quốc hội khóa XII đã phát biểu rất khiêm nhường “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”, mặc dù ông được coi là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta. Sau 5 năm hoạt động, Quốc hội Khóa XII được coi là nhiệm kỳ thành công nhất của Quốc hội nước nhà, đặc biệt là trong khâu giám sát. Thành công này có vai trò hết sức quan trọng của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, người vừa được bầu làm người đứng đầu Đảng CSVN.

Nghị trường sôi động

Một trong những đại biểu Quốc hội kỳ cựu (kỳ cựu bởi ông là đại biểu 3 khóa liền: X, XI và XII), ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII là nhiệm kỳ thành công nhất mà ông từng biết, đặc biệt là trong khâu giám sát.

Một tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và chân thành đã giúp cho sinh hoạt của Quốc hội có chất lượng cao hơn. Chính tinh thần này đã làm cho các đại biểu Quốc hội bộc lộ và thực thi trách nhiệm một cách cao nhất trong vai trò đại diện của dân. Khâu chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, mặc dù có lúc, có chỗ căng thẳng, gay gắt, nhưng đều mang tính xây dựng, chân thành, và vì thế đạt hiệu quả cao.

Những thành công này của Quốc hội Khóa XII có vai trò rất quan trọng của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, mặc dù, ngày 26/06/2006, khi nhậm chức, người đứng đầu Quốc hội Khóa XII đã phát biểu rất khiêm nhường: “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều hành kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XII (ảnh: TL)

Về thành công của Quốc hội Khóa XII ông Nguyễn Lân Dũng lý giải: “Theo tôi, trong nhiệm kỳ này đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm tốt vai trò của Chủ tịch Quốc hội. Ông tham gia trực tiếp các cuộc họp từ toàn thể đến họp đoàn, nhờ đó giúp người đứng đầu có những chỉ đạo sâu sát, có tư duy thông thoáng nhưng hợp lý trong việc giải quyết từng vấn đề – nhờ đó Quốc hội hoạt động được thuận lợi hơn nhiều”.

Nhớ lại các buổi chất vấn, ông Nguyễn Lân Dũng nói: “Cũng có người nói Quốc hội có lúc hơi quá đà, nhưng tôi không nghĩ đến mức đó, có thể trong quá trình thảo luận, chất vấn, nhiều ĐBQH hơi nặng lời – nhưng đã được người chủ trì nhắc nhở rất nhã nhặn. Chủ tịch cũng rất tôn trọng các Phó Chủ tịch Quốc hội, khi cùng ngồi ở vị trí chủ tọa nhưng Chủ tịch đã để các Phó Chủ tịch điều khiển cuộc họp, trừ những nội dung rất quan trọng. Chủ tịch chỉ có mặt để phối hợp, chấn chỉnh chứ không hề ôm đồm, bao biện. Ngoài giờ họp, khi gặp gỡ với các ĐBQH ngoài hành lang, Chủ tịch Quốc hội rất thoải mái, thân tình, biểu hiện tinh thần bình đẳng trong Quốc hội”.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khiến người tiếp xúc thấy rất gần gũi (ảnh do GS Nguyễn Lân Dũng cung cấp).

Có cùng nhận xét như ông Dũng, một Đại biểu QH Khóa XII khác là ông Nguyễn Đình Xuân bổ sung: “Tôi thấy, về phương pháp làm việc và điều hành thì Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng có kỹ năng cầm trịch, bao quát được diễn biến của Quốc hội, để kỳ họp diễn ra có chừng mực, không quá đơn điệu, nhưng cũng không quá gay gắt”.

Còn gương mặt khá quen thuộc tại các diễn đàn Quốc hội Khóa XII Nguyễn Ngọc Đào thì nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là nhiệm kỳ thể hiện rõ đổi mới của Quốc hội ở vai trò phản biện tích cực với các hoạt động của Chính phủ. Đây là kết quả của sự giám sát tích cực của Quốc hội, ví như trong dự án đường sắt cao tốc, dự án bôxit Tây Nguyên hay vụ Vinashin…”.

Người học trò nghèo

Trên chốn công đường, ông là người “cầm cân nẩy mực” dân chủ, công bằng, kiên quyết và hiệu quả. Tuy nhiên trong cuộc sống đời thường ông lại là người chân thành, bình dị, rất dễ gần, hòa đồng. Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều, nơi mà Tân TBT Nguyễn Phú Trọng học thuở thiếu thời, kể: “Cách đây gần 10 năm, tập thể giáo viên học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều tổ chức buổi gặp mặt các cựu học sinh từng học tại trường những năm 1960 để mừng thọ thầy giáo Nguyễn Văn Quế 75 tuổi. Sáng hôm đó, chúng tôi thực sự bất ngờ khi anh Nguyễn Phú Trọng, khi đó đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội lại tới trường bằng xe máy.

Tân TBT Nguyễn Phú Trọng và các thầy giáo: Nguyễn Duy Ninh, Đoàn Thanh, Vũ Huy Đông, Trần Thái Bình (ảnh: TL)

Và trong khi, nhiều cán bộ khi đó giữ vị trí lãnh đạo tại TP Hà Nội và huyện Gia Lâm, cũng từng là học trò của thầy Quế đề nghị đi ô tô để mời thầy về trường thì anh Trọng lại kiên quyết đi bộ, dẫu quãng đường từ trường đến nhà riêng của thầy Quế cũng chẳng gần”.

“Hình ảnh ấy của đồng chí Trọng quả thực đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng mọi người. Một cán bộ cấp cao nhưng hoàn toàn không có sự quan cách. Và trên hết, đó là hình ảnh một người lãnh đạo giữ vững nghĩa tôn sư trọng đạo”, thầy Đại nói.

Có lẽ trong số những người thầy, người cô từng có thời gian giảng dạy Nguyễn Phú Trọng, thầy Lê Đức Giảng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B mang theo mình nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất về người học trò này.

“Tôi về công tác tại trường từ năm học 1961 – 1962, được phân làm chủ nhiệm lớp 9B. Khi ấy, anh Trọng vừa là Bí thư Chi đoàn, vừa là lớp trưởng lớp 9B. Phải thú thật, có một cán bộ lớp như  anh Trọng, tôi rất… nhàn. Trong những giờ sinh hoạt lớp thì Trọng làm tất cả.

Người học trò này rất giói quán xuyến tình hình của lớp, đặc biệt các bạn trong lớp rất “nể” Trọng vì cách nói năng và truyền đạt rất tốt. Tôi chỉ tham gia một vài ý kiến sau khi lớp sinh hoạt”.

Cũng theo thầy Giảng, đến nay mỗi khi hai thầy trò gặp lại nhau, cả hai đều nhắc lại kỷ niệm những buổi tối Nguyễn Phú Trọng mang theo sách vở qua phòng thầy học nhờ bởi chỗ trọ thiếu đèn lại “thừa” muỗi. Những hôm trời mưa, hai thầy trò run lập cập trong tấm chăn chiên mỏng manh và thức thâu đêm.

THPT Nguyễn Gia Thiều

Còn khi nhắc về người học trò vốn nổi bật với năng lực lãnh đạo tập thể, thầy giáo Đoàn Thanh, nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (1960 – 1964) năm nay đã 84 tuổi bùi ngùi hồi tưởng: “Quả thực từ ngày đó, tôi đã có ấn tượng rất đặc biệt với trò Trọng. Tôi còn nhớ rất rõ, do nhà nghèo lại ở xa, nên Trọng phải trọ học trong một ngôi chùa gần trường. Đã có nhiều thầy cô giáo nói với tôi về tư chất, năng lực lãnh đạo đoàn thể của cậu trò này.

Khi đó, anh Trọng giữ cương vị là Hiệu đoàn trường, phụ trách khối thanh niên. Để hình dung hết cái khó khăn của Trọng thì phải nhắc lại rằng, thời điểm ấy trường THPT Nguyễn Gia Thiều mới thành lập, hàng trăm học sinh đến từ nhiều vùng miền khác nhau”.

“Nhưng điều làm tôi nhớ nhất về trò Trọng, chính là sự cẩn trọng trong học tập và mọi công việc. Với trò này, chúng tôi chưa một lần phải nhắc nhở trong chuyện học hành hay trong cách cư xử”.

Thầy giáo Đoàn Thanh kể lại kỷ niệm về học trò Nguyễn Phú Trọng (ảnh: Nam Phong)

Tuy nhiên kỷ niệm sâu sắc nhất về học trò Nguyễn Phú Trọng đã đi theo thầy Đoàn Thanh suốt mấy chục năm nay, như là hình ảnh đẹp nhất về một trong thế hệ đầu tiên lớn lên dưới mái trường XHCN, được ông nhớ lại: “Năm 1963, trên bộ bất ngờ có chỉ thị là khuyến khích học sinh không cần phải thi đại học mà ở quê nhà phục vụ quê hương hoặc đi bộ đội. Ngày ấy chúng tôi có 3 lớp 10A, 10B và 10C, tôi đã truyền đạt ý này và không có em nào đăng ký thi đại học. Nhưng sau đó, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị phải có người thi đại học, một số học sinh lại đăng ký thi đại học, trong số này có Trọng. Cũng trong năm đó, Trọng thi đỗ vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp”.

Tuổi thơ bình dị

Trong những ngày rét buốt giữa tháng 1/2011, chúng tôi đã về thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), nơi Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên. Đây là một làng quê, thân thuộc, thanh bình với những người nông dân hiền hậu nhưng chăm chỉ và phong trào hiếu học truyền thống. Dọc theo lối vào làng là những chiếc cổng được xây dựng theo lối kiến trúc Bắc Bộ; những ngôi nhà 3 gian lợp ngói san sát nhau hai ven đường vẫn còn giữ lại được cái vẻ thanh bình của một ngôi làng Bắc Bộ từ hơn một nửa thế kỷ trước.

Cụ Ngô Bá Dục đang xem lại những bức ảnh kỷ niệm sau những lần họp lớp của mình có người bạn Nguyễn Phú Trọng tham gia (ảnh: Quang Tùng)

Nhà đầu tiên mà chúng tôi tới thăm là nhà cụ Ngô Bá Dục, ở xóm 7, nằm ngay giữa thôn. Trước đây cụ Dục là Hiệu trưởng của trường cấp 3 Cổ Loa (từ năm 1991 đến năm 2003) và cũng là bạn học từ nhỏ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến hết cấp 3.

Tại đây cụ Dục đã kể cho chúng tôi nghe về người bạn thời thơ ấu Nguyễn Phú Trọng, kể về những kỷ niệm đã theo ông cùng năm tháng mà ông không thể quên. “Từ những năm 1953 – 1954 làng không có trường học, nhưng may thay trong làng có cụ giáo Cầm đã ra mở lớp ngoài đình để dạy học cho mấy đứa trẻ. Thời đó cả thôn chúng tôi có hơn 40 người theo học cụ giáo Cầm. Trong lớp, có người mới chỉ bắt đầu học a bờ cờ, có người đã học tính toán. Cụ Cầm biết được những gì cụ dạy hết. Nổi bật nhất trong đám chúng tôi có cậu Trọng con bác Nội ở ngay đầu làng học rất khá nên được cụ giáo Cầm rất quý.

Trọng là con út trong gia đình có 4 anh chị em, sinh ra trong một gia đình thuần nông. Trọng có dáng người nhỏ bé, nhưng đôi mắt thì lại sáng lạ thường. Đặc biệt, ngoan hiền và rất chăm chỉ học tập”.

Ông Dục còn nhớ, ngoài làm nông, gia đình nhà ông Trọng còn làm bỏng mật. Những buổi chiều tan học về lũ trẻ trong xóm thường được ông Nguyễn Phú Nội (cụ thân sinh ra TBT Nguyễn Phú Trọng-NV) gọi vào cho ăn bỏng mà không lấy tiền. Những lúc ấy, bọn trẻ con trong thôn rất thích. Mỗi lần vào cho bỏng cụ Nội thường khuyên phải chăm học, đoàn kết, giúp đỡ thương yêu lẫn nhau để sau này thành tài.

Sau khi hòa bình lập lại (1954 – 1956) ông Dục cùng ông Trọng là lứa học sinh đầu tiên của xã học hết cấp 1. Sang cấp 2, do ở xã không có lớp để học tiếp ông Dục cùng 19 học sinh khác, trong đó có ông Trọng phải sang xã Mai Lâm cách nhà 5 cây số để theo học.

Ông Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung cùng bạn bè tại đình làng thôn Lại Đà trong một dịp về thăm quê (ảnh: TL)

Thường ngày lũ trẻ con trong làng vẫn thường tụm lại rồi gọi nhau đi học. Trong quãng thời gian học lớp 4, ông Dục vẫn còn nhớ rất rõ, cô giáo của lớp khi đó là cô Đặng Thị Phúc mới chỉ 22 tuổi nhưng đã có những đánh giá rất tinh tế và chuẩn xác. Trong lễ tốt nghiệp, cậu Trọng được cô Phúc đánh giá là một trong ba học sinh giỏi nhất lớp. Hai người khác cô chỉ khen chứ không công nhận xuất sắc còn ông Trọng được cô công nhận là xuất sắc. Ngoài tấm bằng khen ông Trọng còn được thưởng một bức họa báo có 1 tờ can mấy trang liền nhau mang tên là “Nước non nghìn dặm”.

Năm 1957 – 1958 sau khi tốt nghiệp, lẽ ra các ông phải lên Bắc Ninh để học tiếp cấp 2, cấp 3 nhưng do năm đó đã xảy ra trận vỡ đê ở Mai Lâm nên đã phải sang Gia Lâm, Hà Nội gửi học tại trường Nguyễn Gia Thiều.

Do học xa nhà nên trong quá trình học tập, những cậu học trò của thôn Lại Đà thường xuyên giúp đỡ nhau trong quá trình học tập. Ở lớp, học trò Nguyễn Phú Trọng là người khá nhất, đặc biệt nổi trội về môn Văn và vẫn thường được mọi người khen là điềm đạm, cẩn thận, hiền lành, được bạn bè quý mến.

Kiều Minh- Phúc Hưng – Nam Phong-Quang Tùng

 


(Theo www.nguyenphutrong.com)
Xem thêm →

Ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử làm Tổng bí thư

0 nhận xét

Sáng 19/1, gần 1.400 đại biểu đã vỗ tay chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng (67 tuổi, Chủ tịch Quốc hội) trúng cử Tổng bí thư khóa XI. Danh sách 14 Ủy viên Bộ Chính trị cũng được xác định với 5 người mới, bên cạnh 9 vị tái cử.

Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận hoa chúc mừng của người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh. Ảnh: AFP

Báo cáo trước đại hội, ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư cho biết, tại phiên họp đầu tiên (chiều 18/1) Ban chấp hành trung ương khóa XI đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng, làm Tổng bí thư. Tổng bí thư khóa X Nông Đức Mạnh đã tặng hoa chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài diễn văn chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư khóa X Nông Đức Mạnh có kiểm điểm những mặt chưa làm được của mình trong nhiệm kỳ vừa qua. “Mặc dù có nhiều cố gắng, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng bản thân tôi vẫn còn những việc thực hiện chưa như mong muốn của Đảng và nhân dân. Ban chấp hành trung ương khóa X đã có báo cáo kiểm điểm trước đại hội, những hạn chế, khuyết điểm nêu trong báo cáo có phần trách nhiệm của tôi”, ông Nông Đức Mạnh nói.

Ông Nông Đức Mạnh cũng bày tỏ sự kỳ vọng ở người kế nhiệm: “Đại hội với tinh thần đoàn kết, dân chủ đã đề ra đường lối cho chặng đường mới, với đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư sẽ đem lại sức sống mới cho toàn Đảng, toàn dân. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào điều đó”.

Ngay sau phần phát biểu của ông Nông Đức Mạnh, toàn bộ đại biểu đã vỗ tay chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phát biểu với tư cách tân Tổng bí thư – ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao người tiền nhiệm. Ông cho rằng, những thành tựu đạt được của đất nước ta trong thời gian qua gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Ban chấp hành trung ương khóa X và công lao của ông Nông Đức Mạnh.

Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trên cương vị công tác mới, ông có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đang ở phía trước. “Chúng tôi ý thức được rằng, những thành tựu và kinh nghiệm quý báu có được trong những nhiệm kỳ trước đây, đặc biệt là trong những năm đổi mới sẽ là nền tảng vững chắc cho bước phát triển kế tiếp của đất nước”, ông nói.

Thay mặt Ban chấp hành mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa trước Đại hội, sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ông Nguyễn Phú Trọng điều hành một phiên họp tại Đại hội XI.

Ông Nguyễn Phú Trọng là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng) và từng 20 năm làm việc tại Tạp chí Cộng sản, trong đó 5 năm giữ chức Tổng biên tập. Sau đó ông Nguyễn Phú Trọng làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương. Đầu năm 2000, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 7/2007 ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Trong danh sách 14 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI có 9 người tái cử, gồm các ông: Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc hội), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Trương Tấn Sang (Thường trực Ban Bí thư), Nguyễn Sinh Hùng (Phó thủ tướng), Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng), Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an), Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội), Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TP HCM), Tô Huy Rứa (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương).

5 vị lần đầu vào Bộ Chính trị là các ông Đinh Thế Huynh (Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo), Ngô Văn Dụ (Chánh văn phòng Trung ương Đảng), Nguyễn Xuân Phúc (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Trần Đại Quang (Thứ trưởng Bộ Công an) và bà Tòng Thị Phóng (Phó chủ tịch Quốc hội).

Trong số Ủy viên Bộ Chính trị có gần 10 người mang học vị tiến sĩ. Ủy viên nhiều tuổi nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (67), ít tuổi nhất là Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (55).

Bộ Chính trị khóa XI có một phụ nữ là bà Tòng Thị Phóng (57 tuổi dân tộc Thái), Phó chủ tịch Quốc hội. Bà Phóng là người phụ nữ thứ hai từ trước đến nay được bầu vào Bộ Chính trị. Trước đó, tại khóa VIII (năm 1996) bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cũng trúng cử Bộ Chính trị.

Ban bí thư trung ương Đảng gồm ông, bà: Ngô Xuân Lịch, Trương Hòa Bình, Hà Thị Khiết, Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ủy viên Kiểm tra trung ương gồm 21 vị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương là ông Ngô Văn Dụ.

Cách đây 5 năm, tháng 4/2006, Ban chấp hành trung ương khóa X cũng bầu 14 Ủy viên Bộ Chính trị (sau đó đầu năm 2009 bầu thêm ông Tô Huy Rứa).

PV


(Theo www.nguyenphutrong.com)
Xem thêm →

Tiểu sử tóm tắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

0 nhận xét

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TT

Dưới đây là Tiểu sử tóm tắt của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Phú Trọng.

Giới tính: Nam.

Họ và tên thường gọi: Nguyễn Phú Trọng.

Sinh ngày: 14/4/1944

Quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.

Nơi cư trú: Số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không

Trình độ học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ

Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng); Cử nhân Văn – Đại học Tổng hợp.

Nghề nghiệp, chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Nơi làm việc: Văn phòng Quốc hội, 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngày vào Đảng: 19-12-1967.

Ngày chính thức: 19-12-1968.

Tình trạng sức khỏe: Bình thường.

Khen thưởng: Được tặng thưởng nhiều Huy chương và Bằng khen.

Kỷ luật: Không.

Là đại biểu Quốc hội: Khóa XI, XII

Đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2004 – 2011: Không

Tóm tắt quá trình công tác:

Từ 1963 đến 1967: Học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Từ tháng 12/1967 đến 8/1973: Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản; năm 1971 đi thực tế ở Thanh Oai, Hà Tây.

Từ tháng 9/1973 đến 4/1976: Nghiên cứu sinh khoa Kinh tế chính trị tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Chi uỷ viên.

Từ tháng 5/1976 đến 8/1980: Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó bí thư chi bộ.

Từ tháng 9/1980 đến 8/1981: Học Nga văn tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.

Từ tháng 9/1981 đến 7/1983: Thực tập sinh, tốt nghiệp PTS khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.

Từ tháng 8/1983 đến 02/1989: Phó ban (1983-1987), Trưởng ban Xây dựng Đảng (1987-1989); Phó Bí thư, Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Tạp chí Cộng sản (1985-1991).

Từ tháng 3/1989 đến 8/1996: Uỷ viên Ban biên tập (1989-1990), Phó Tổng biên tập (1990-1991), Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (1991-1996).

Từ tháng 01/1994 đến nay: Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X.

Từ tháng 8/1996 đến 02/1998: Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học, trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Từ tháng 12/1997 đến nay: Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VIII, IX, X.

Từ tháng 2/1998 đến 01/2000: Phụ trách công tác Tư tưởng – Văn hóa và Khoa giáo của Đảng.

Từ tháng 3/1998 đến 8/2006: Phó chủ tịch (1998-2001), Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác Lý luận của Đảng (2001-2006).

Từ tháng 8/1999 đến 4/2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị.

Từ tháng 01/2000 đến 6/2006: Bí thư Thành uỷ Hà Nội (khóa XII, XIII, XIV).

Từ tháng 5/2002 – 5/2007: Đại biểu Quốc hội khóa XI.

Từ tháng 5/2007 – đến nay: Đại biểu Quốc hội khóa XII.

Tại phiên họp toàn thể ngày 23/7/2007, Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khoá XII, đồng chí đã được Quốc hội tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ tháng 7/2007: Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Ngày 18/1/2011: được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư khóa XI.
PV

(Theo www.nguyenphutrong.com)
Xem thêm →

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả bầu cử

0 nhận xét

Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã họp phiên thứ 40 nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cho ý kiến vào việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Phiên họp thứ 40 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XII.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Về công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã có văn bản đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn. Về công tác tổ chức nhân sự, dự kiến chương trình bố trí khoảng 11 ngày để Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và trên cơ sở nghiên cứu thông lệ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhiệm kỳ trước. Về các vấn đề kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, Quốc hội dành một buổi thảo luận tại tổ và một ngày thảo luận tại Hội trường về nội dung này. Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại Hội trường một buổi về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009…

Cho ý kiến vào nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, đa số Ủy viên Ủy ban nhất trí với nhất dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII và đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. Trước một số ý kiến đề nghị chỉ tập trung cho công tác nhân sự và không dành khoảng thời gian 1,5 ngày cho thảo luận về kinh tế – xã hội, các đại biểu cho rằng, đây là kỳ họp quan trọng chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự nhưng không vì thế mà không đề cập đến vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trong kỳ họp thứ nhất, Chính phủ cần có báo cáo kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2011, có báo cáo thẩm tra để cho thấy sự tiếp nối của Quốc hội, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình đề nghị cần có báo cáo về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009, có thảo luận tổ, hội trường và có Nghị quyết về nội dung này…

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng, giao thoa giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội vì vậy các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Văn phòng Quốc hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của Pháp luật. Kỳ họp sẽ tập trung vào công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước, xem xét các báo cáo và quyết định một số nội dung quan trọng như tình hình thực hiện và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011 (có thảo luận tại tổ và hội trường); phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009… và thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Không đưa vào chương trình kỳ họp hai dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học cũng như Báo cáo kết quả giám sát việc tổ chức bầu cử, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Dự kiến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ được tiến hành trong khoảng 13,5 ngày (trong đó 0,5 ngày họp trù bị). Phiên khai mạc được ấn định vào ngày 21/7 và bế mạc vào ngày 5/8/2011. Công tác tổ chức, nhân sự được bố trí trong khoảng 11 ngày./.


(Theo www.nguyenphutrong.com)
Xem thêm →