Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

0 nhận xét
Sáng nay, 21-5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tham dự phiên khai mạc Kỳ họp có đông đủ các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các vị đại biểu Quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu Quốc hội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu Quốc hội
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, từ kỳ họp thứ 2 đến nay, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần; xuất khẩu tăng, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản được kiểm soát. An sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi còn khó khăn, khủng hoảng nợ công chưa được khắc phục. Ở trong nước, kinh tế phát triển chưa ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn, dấu hiệu giảm phát và tốc độ tăng trưởng thấp cùng với những bức xúc về xã hội, môi trường và đời sống của nhân dân đang làm khó khăn thêm cho việc đạt được mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2012.

Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ những nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp này về Báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; quyết định một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012… Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết; xem xét chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2011; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thuỷ điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 và một số vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định.

Sau phát biểu khai mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012.

Phó Thủ tướng cho biết, tổng hợp kết quả thực hiện cả năm cho thấy, về cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát nêu trong Nghị quyết của Quốc hội. Trong tổng số 22 chỉ tiêu chủ yếu, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong đó có 6 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số liệu đã báo cáo Quốc hội.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,89%, mặc dù thấp hơn mức tăng 6,78% của năm 2010 nhưng là cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong và ngoài nước. Đáng lưu ý, ngành nông nghiệp đã nổi lên là khu vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định xã hội. Sản lượng lúa đạt mức kỷ lục 42,4 triệu tấn, lĩnh vực nông sản, thủy sản xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 3,7 tỷ USD.

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp
Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp
Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước tăng 18,4%, chi ngân sách nhà nước tăng 13,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách giữ ở mức 111.500 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP thực hiện (giảm 0,9% so với dự toán). Dư nợ công, dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát, bảo đảm trong giới hạn an toàn. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm, bảo đảm; các lĩnh vực xã hội có một số mặt tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 đã giảm 2,44% (số đã báo cáo Quốc hội là 1,5%); tại các huyện nghèo mức giảm bình quân 4,5% (số đã báo cáo là 4%)…

“Các cấp, các ngành đã có nhiều quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đối với người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và giữ vững ổn định chính trị – xã hội”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát tuy đã được kiềm chế trong những tháng cuối năm, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm vẫn ở mức cao là 18,13%; việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ cũng để lại những hệ quả tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân… Các lĩnh vực xã hội còn những yếu kém, chậm được khắc phục, nhất là về chất lượng giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp…

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, trong những tháng đầu năm 2012, Chính phủ đặt trọng tâm chỉ đạo điều hành là thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, bắt đầu từ tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng.

Một thành quả bước đầu cần khẳng định là lạm phát được kiềm chế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ giữa năm 2011 và giảm mạnh trong những tháng gần đây, CPI tháng 1 tăng 1%, tháng 2 tăng 1,37%, tháng 3 tăng 0,16% và tháng 4 tăng 0,05%, 4 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 2,6%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện; xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh. An sinh xã hội, ưu đãi người có công tiếp tục được quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp thiết thực. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo được quan tâm chỉ đạo, thực hiện theo các chương trình kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và đạt kết quả khả quan.

Đáng lưu ý, tình hình trật tự an toàn giao thông quý I năm 2012 đã được cải thiện trên cả ba tiêu chí: Số vụ tai nạn giao thông giảm 22,8%, số người chết giảm 19,2% và số người bị thương giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Phó Thủ tướng không quên phân tích những khó khăn, thách thức lớn đặt ra trong thời gian tới như việc xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế; việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17,7 nghìn doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân ở nhiều vùng vẫn còn khó khăn, tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều nơi vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Trong đó, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng là một trọng tâm chỉ đạo, điều hành…

Cũng trong phiên khai mạc hôm nay, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo ý kiến của Ủy ban về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội còn nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; các báo cáo và báo cáo thẩm tra về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Đặc biệt, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội chủ trì soạn thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Đề án cũng được trình bày tại phiên họp chiều nay 21-5.

Theo(SGGP)


Leave a Reply