Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Kiên Giang

0 nhận xét

Tiếp tục chuyến công tác kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 26 Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong 2 ngày (27- 28/8), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến làm việc tại Kiên Giang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân dân xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân dân xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, với hơn 80% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp và địa bàn nông thôn, hơn 70% dân số là nông dân, Kiên Giang xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có vị trí quan trọng, quyết định đến sự ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Ngay sau khi có Nghị quyết 26, tỉnh đã chủ động quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, bố trí lại sản xuất phù hợp với từng vùng, từng địa phương theo hướng giữ vững ổn định diện tích lúa để bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu, hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản…

Trong quá trình triển khai Nghị quyết, tỉnh đặc biệt chú trọng việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, bố trí lại sản xuất phù hợp với từng vùng, địa phương theo hướng giữ ổn định diện tích lúa để đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Tại đây đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng lúa chất lượng cao, cây ăn trái, nuôi trồng thuỷ sản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư cho rằng, chỉ nhận thức, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết là chưa đủ, mà quan trọng là triển khai trong thực tế như thế nào, hiệu quả đến đâu vì đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc Kiên Giang xác định phát triển công nghiệp chế biến, gắn với tiêu thụ; giảm sản phẩm xuất khẩu thô và tăng dần tỷ lệ hàng nông, thuỷ sản qua chế biến, tập trung vào một số sản phẩm có lợi thế như gạo, cây ăn trái, thuỷ sản đông lạnh là chủ trương đúng. Để đạt được mục tiêu này,  việc giúp dân bảo quản, bao tiêu sản phẩm, mở rộng xúc tiến thương mại, xây dựng các trung tâm thương mại để lưu thông hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm của nông dân là rất cần thiết.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm chăm lo thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với các gia đình chính sách, người nghèo vùng nông thôn. Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là quan trọng nhưng cần vận động quần chúng nhân dân, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau qua đó thể hiện tính ưu việt của mô hình nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

Qua tìm hiểu thực tế công tác xóa đói, giảm nghèo tại Kiên Giang, Tổng Bí thư lưu ý địa phương cần sớm tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những cách làm, mô hình hay để có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Cũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gợi mở một số vấn đề để tỉnh cần tập trung quan tâm, tiếp tục triển khai Nghị quyết 26 như: vấn đề quy hoạch, quản lý đất đai gắn với yêu cầu giải quyết tích tụ ruộng, giải quyết việc làm cho người dân thiếu đất sản xuất; rà soát lại quy hoạch đất đai gắn với sản xuất nông nghiệp, bên cạnh cây lúa thì chú trọng phát triển cây màu; phát triển kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới.

Với Kiên Giang, Đoàn công tác Trung ương cũng nắm bắt rõ hơn những khó khăn khi triển khai Nghị quyết 26 đang đặt ra tại địa phương như chuyển dịch cơ cấu còn chậm, tư tưởng trông chờ vào Nhà nước vẫn còn; đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn lúng túng khi triển khai từng công việc cụ thể.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn vay của dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý nguồn vốn, xây dựng các đề án cụ thể cũng còn nhiều bất cập, do nhận thức chưa đầy đủ và trình độ còn hạn chế trong một bộ phận cán bộ.

Những kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về tăng cường đầu tư vốn, chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; xem xét thành lập Quỹ đầu tư xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn mới ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.. được đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan giải quyết theo chức năng.

Đặng Nguyễn


(Theo website Nguyễn Phú Trọng)

Leave a Reply